1. Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ luật (kỹ năng nói):
- Đó là việc chúng ta sử dụng các ngôn từ thông dụng, dể hiểu trong pháp luật để trình bày, phát biểu, trao đổi với các đối tác, khách hàng, cơ quan nhà nước.
2. Kỹ năng nghe:
- Khi khách hàng trình bày nên nghe có trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt được xem khách hàng muốn nói gì, hướng khách hàng nói đến những vấn đề chính của vụ việc.
3. Kỹ năng viết:
- Khi soạn thảo đơn, hợp đồng, các loại văn bản khác chúng ta cần chú ý cách trình bày, văn phong chuẩn, chuyên nghiệp (Cái này sinh viên rất yếu, do hệ quả của việc ít dùng word, viết tắt nhiều).
4. Kỹ năng đọc:
- Khi tình bày trước đám đông (thuyết trình, hùng biện, trình bày luận cứ). Chúng ta nên trình bày theo quan điểm và cách hiểu của mình chứ không nên cầm tờ giấy rồi đọc như lý thuyết suông.
5. Kỹ năng hỏi:
- Đây là kĩ năng cơ bản của Luật sư, đó là luôn phải hỏi, hỏi mọi thứ, hỏi chi tiết… (Lâu lâu cũng thành bệnh nghề nghiệp, đi đâu cũng hỏi). Mục đích để giải tỏa những vấn đề chưa hiểu, chưa nắm được, chưa biết, hoặc cần giải quyết cho công việc. Trong công việc, kĩ năng này luôn luôn áp dụng trong thực tế. Đây là những kĩ năng cơ bản, thiết yếu nhất nhưng thực tế các bạn sinh viên lại rất coi thường vấn đề này. Có lẽ các bạn chỉ nghĩ đi học việc chủ yếu là học kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng làm việc mà quên đi cái nền tảng gốc trên. Rất nhiều bạn sinh viên đến chỗ tôi cũng được rèn cả 4 kỹ năng này. Cổ nhân có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là vì thế. Đương nhiên, về mặt chuyên môn các bạn sẽ được học bằng các tình huống, hồ sơ, vụ việc cụ thể, cũng như được Luật sư hướng dẫn, truyền đạt những kiến thức cho các bạn để các bạn học.
Giáo trình học việc như thế nào? Và học những gì? Nhiều bạn sinh viên cứ nghĩ đến học việc là ngồi nghe các Luật sư giảng, chia sẻ kinh nghiệm, được hướng dẫn hồ sơ, vụ việc, kinh nghiệm làm việc. Thực tế không phải vậy, Luật sư họ thường rất bận, và cũng không biết các bạn học cái gì, muốn cái gì? Chính vì vậy, ở VPLS Kết Nối áp dụng hình thức học bằng 1 câu châm ngôn: “Muốn ăn thì phải lăn vào bếp” “Muốn học phải đem sách đến gặp thầy”. Hay nói cách khác đến học việc chủ yếu là các bạn sẽ phải tự học.
Giáo trình học việc cũng do các bạn tự biên soạn(hay nói cách khác các bạn tự lên kế hoạch học những gì) Đây chính là phương pháp học kinh điển mà ở hầu hết các trường ĐH đều nêu ra, đó là “Phương pháp tự học”. Vậy sinh viên sẽ tự học bằng cách nào ở các VP/Công ty luật, tôi chia sẻ luôn để các bạn nắm được:
Thứ nhất, tự lắng nghe các Luật sư diễn giải trong từng vụ việc cụ thể. Đồng thời ghi chép lại (như vậy các bạn luôn phải có 01 cuốn sổ cẩm nang) và luôn luôn ngẫm nghĩ những điều luật sư nói và đặt ra các câu hỏi tại sao, đồng thời tìm cách trả lời các câu hỏi đó.
Thứ hai, tự quan sát các việc Luật sư làm, để tập làm theo.
Thứ ba, luôn hỏi Luật sư về những vấn đề thắc mắc (nên hỏi khi luật sư rảnh hoặc đang giải quyết vụ việc nào đó).
Thứ tư, luôn hỏi xin luật sư giao việc cho làm, hoặc xin làm cùng các đồng nghiệp khác và phải tập trung, nhiệt tình khi làm việc. Cái này các sinh viên nhà ta khá bị động, làm đối phó (vô tình khiến các bạn áp lực thêm).
Thứ năm, tự tạo cho mình các công việc khác để tự nghiên cứu, tạo áp lực công việc cho mình và tìm hướng giải quyết các công việc đó.
Thứ sáu, học, quan sát các kĩ năng giải quyết thực tế, hoặc các cách thức trả lời, giải quyết việc.
Thứ bảy, tập rèn tình cẩn thận, tỉ mẩn, ghi chép mọi thứ, chớ có coi thường bất cứ việc gì, hoặc tỏ thái độ về bất cứ việc gì, luôn rèn việc giữ bình tĩnh mọi lúc mọi nơi. Các bạn nên nhớ, bất cứ việc gì Luật sư giao cho các bạn làm cũng là 01 cơ hội trải nghiệm, học tập, chúng ta phải tinh ý. Có rất nhiều bạn chê các việc: chạy giao nộp hồ sơ, đánh máy, thực hiện các công việc văn phòng là không được làm việc chuyên môn. Đây là những suy nghĩ sai lầm, bởi lẽ muốn học, thành công thì phải làm từ việc nhỏ trước và phải chủ động, năng động tìm kiếm cơ hội cho mình. Đây là một số kinh nghiệm, chia sẻ về kĩ năng học việc, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến việc học việc này, tôi rất muốn chia sẻ.
Nguồn: Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng